Kết thúc môn thi cuối cùng của kì thi THPT Quốc gia sáng ngày 27/6, cảnh những thí sinh bước ra khỏi cổng trường ôm chầm lấy các bố, các mẹ khiến nhiều người không khỏi xúc động.
- Bộ Giáo dục công bố hotline hỗ trợ kì thi THPT Quốc gia 2018
- Lộ thông tin đề thi môn Lý “lọt” ra ngoài phòng thi quá sớm
Năm nay, kì thi chỉ diễn ra ngắn ngủi trong chưa đầy 3 ngày thi nhưng hàng triệu gia đình có con em là thí sinh trên cả nước đã trải qua biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đây là kỳ thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời bởi nó đánh dấu sự kết thúc của những năm tháng các em được sự che chở của nhà trường phổ thông. Từ đây, mỗi em sẽ có một con đường riêng, vào đại học, học nghề, hoặc là đi làm luôn. Dù thế nào, các em cũng phải trải qua kỳ thi này. Bao nhiêu hồi hộp, lo lắng hay thấp thỏm, vui mừng, sung sướng không những là cảm xúc của riêng các học sinh, mà còn là nỗi niềm của những vị phụ huynh mỗi khi con mình bước vào một cuộc thi quan trọng.
Trong suốt những ngày diễn ra kỳ thi, có một hình ảnh quen thuộc mà người ta dễ dàng nhận ra, đó là dù sáng hay chiều, dù trời nắng hay mưa thi trước cổng trường thi là hình ảnh những phụ huynh chờ đợi với khuôn mắt đăm chiêu hướng về cổng trường thi. Con có biết bên ngoài phòng thi, cha mẹ vẫn luôn tin rằng sự có mặt gần nhất bên các con lúc này sẽ là những san sẻ, động viên con bình tĩnh làm bài.

Thi cử không còn là chuyện riêng của thí sinh, thực tế, những người suy nghĩ nhiều nhất lại chính là các vị phụ huynh. Bởi vậy người ta mới nói muốn hiểu lòng cha mẹ, hãy đến cổng trường vào những ngày cuộc thi diễn ra.
Khi các thí sinh đang phải cân não ở trong phòng thi, cố gắng để sáng tạo từng câu văn hay chinh phục từng con số để vượt qua kỳ thi đầy cam go của cuộc đời thì ngoài kia, các bố các mẹ vẫn thấp thỏm mong chờ, bất chấp thời tiết hay công việc của bản thân.
Chị Lan năm nay đã hơn 50 tuổi, làm nghề ruộng. Những ngày thi cũng là lúc đang vào vụ cấy, gác lại công việc của nhà nông, chị đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ để đưa con đi thi. Chị tâm sự rằng đây là đứa con thứ 2 của chị tham gia kì thi THPT quốc gia, năm nay tuy không vất vả như khi con đầu thi đại học, nhưng nỗi lo âu của chị vẫn không mấy giảm bớt.
Chị chia sẻ: “Chị lo lắng về sức khỏe, thứ nữa là sợ con bị mất bình tĩnh bởi tính con bé nhút nhát, những lúc quan trọng thì thường hay run, chị lo em nó lại không làm được bài. Nhưng đến giờ này, thi được đến đâu thì được, quan trọng là con cũng đã cố hết sức rồi”.

Chị Hà (Quận 10, TP.HCM) đang đứng chờ con nói trong nỗi lo lắng: “Sáng nay tôi bận nên bố đưa cháu đi thi. Đến trưa nay thi về, con vẫn phải tranh thủ ôn bài cùng bạn. Trước đó, con vẫn thức đến 3h sáng để ôn môn Văn vì đây là môn con không tự tin nhất. Tôi làm mẹ những cũng lo lắng, không ăn ngủ được như con. Đến khi thi xong, làm bài không được tốt lắm nên con cũng thất vọng. Bản thân thì chỉ thấy thương con. Dù vậy, vẫn động viên con cố gắng, bình tĩnh, quan trọng là con đã làm hết sức, kết quả được đến đâu cũng không quan trọng”.
Chị Trâm (Tân Bình, TP.HCM) có con thi đăng kí tuyển sinh ngành Dược chia sẻ: “Đến giờ, các con đã hoàn thành chặng cuối của kì thi, kết quả thế nào tính sau, chúc mừng con đã dúng cảm vượt qua kì thi thành công đã”. Chị cũng nói thêm: “Tôi không hy vọng con trở thành ông nọ bà kia, chỉ mong con đi theo được con đường mà con mong muốn, được làm đúng nghề mà con đam mê, thế là mẹ vui rồi”.
Chị Nga lại kể về những đêm con ôn bài miệt mài mà xót xa: “Những ngày trước kì thi, lịch học của cháu dày đặc, tôi vừa lo cho sức khỏe con lại lo con nhồi quá nhiều kiến thức mà quá tải. Năm nay, để dự thi vào các trường Y Dược, dự đoán là không dễ, nhưng con đã thích thì gia đình cũng ủng hộ hết mình”.
Chị Nga cho rằng, trong những ngày kỳ thi quan trọng diễn ra, các con là người chịu nhiều áp lực, vì thế, chị luôn cố gắng tạo tâm lý thoải mái nhất cho con. “Những ngày này, mẹ cố gắng sắp xếp thời gian, việc nhà cũng không bắt làm. Nếu thấy học nhiều lại phải giục con nghỉ, cho con đi chơi cho đỡ áp lực. Tôi luôn nói với con rằng, thi cử, được đến đâu thì được, quan trọng là cần giữ vững sức khỏe và tinh thần”.
Discussion about this post