Theo đuổi Tây Y hiện đại hay nối duyên với Y học cổ truyền dân tộc? Bạn đã thật sự hiểu rõ về sự khác biệt giữa 2 nền Y học lớn của thế giới hiện nay hay chưa? Hãy cùng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur khám phá những tương đồng và khác biệt của 2 lĩnh vực này.
- Đối tượng nào có thể học VB2 Trung cấp Y học cổ truyền tại TP.HCM?
- Khám phá những công việc sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y sĩ Y học cổ truyền
Nhìn chung, đối tượng nghiên cứu của cả Đông y và Tây y đều là sự sống, sức khỏe cũng như bệnh tật ở con người. Mục tiêu của những nền Y học đều là bảo vệ sức khỏe và nỗ lực tìm kiếm những biện pháp chữa bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, do những khác biệt về văn hóa chữa bệnh mà hình thành nên những quan niệm khác nhau về bệnh tật, hệ thống lý luận, phòng bệnh, chữa bệnh,….
Qua văn hóa, con người có những cảm nhận riêng về sức khỏe, thái độ và cách ứng xử đối với bệnh tật. Giữa Đông y (còn gọi là Y học cổ truyền) và Tây y có 3 sự khác biệt cơ bản sau:
1. Tây y chữa bệnh có tính đối kháng – Đông y chữa bệnh có tính hóa giải
Đây là sự khác biệt đầu tiên về mặt văn hóa. Từ xa xưa, văn minh phương Tây đã gắn liền với những cuộc chinh phạt liên tiếp các nước nhỏ. Có thể kể đến những cái tên như La Mã – một đế chế hùng mạnh trong thời cổ đại nhờ tiêu diệt thành công hàng loạt các bộ tộc khác. Đến thời Trung Cổ, cuộc Thập tự chinh của Thiên Chúa giáo cũng được xem là cuộc chiến tranh tôn giáo khốc liệt, mục đích nhằm tiêu diệt những người dị giáo…
Do việc hình thành trong cái nôi văn hóa thiên nhiều về xung đột nên phương thức chữa trị bệnh của Tây y mang tính đối kháng rõ ràng. Thuốc Tây hay còn gọi là hóa dược hoặc tân dược phần lớn đều là những thứ có tính đối kháng, tác dụng hủy diệt, chẳng hạn như diệt nấm, chống xơ vữa, sát khuẩn, tiêu trừ u bướu, kháng viêm,… Sản phẩm thuốc kháng sinh chính là thành công rực rỡ đáng nói của nền Y học đối kháng. Cùng với đó, hàng loạt bệnh nhiễm trùng nguy hiểm: thương hàn, dịch hạch, dịch tả, viêm não,… đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, đối với những loại vi khuẩn kháng thuốc hay những vi-rút, bệnh tâm thần,… phương thức chữa bệnh của Tây y đang gặp phải những trở lực rất khó vượt qua.
Văn hóa phương Đông lại coi trọng cân bằng, điều hòa để đạt đến cân bằng giữa hai thái cực âm dương. Trong quan hệ với thiên nhiên với mối quan hệ giữa người với người, người phương Đông hướng tới việc hòa hợp, “dĩ hòa vi quý”. Đặc tính văn hóa quân bình đã ảnh hưởng sâu sắc tới quan niệm cũng như phương pháp chữa bệnh của Đông y.
Đông y chủ yếu sử dụng 8 biện pháp cơ bản – “hãn” (làm ra mồ hôi), “thổ” (gây nôn), “hạ” (thông đại tiện), “hòa” (hòa giải), “ôn” (làm ấm), “thanh” (làm mát), “tiêu” (tiêu thức ăn tích trệ), “bổ” (bồi bổ) mục đích để khôi phục, cân bằng âm dương chỉnh thể, hóa giải mâu thuẫn giữa “chính khí” (sức chống bệnh) và “tà khí” (tác nhân gây bệnh). Đáng chú ý trong 8 phép đó, không có biện pháp nào có tính đối kháng.
Đông y chủ trương “trị vị bệnh” (tức chữa từ khi bệnh chưa hình thành), vì thế mà rất coi trọng dưỡng sinh, nâng cao chính khí, khi đó bệnh tật không thể xâm phạm. Tấn công trực tiếp vào bệnh chỉ được Y học cổ truyền xem là biện pháp cuối cùng, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” mới là chiến lược sáng suốt.
2. Tây y là y học “chữa bệnh” – Đông y là y học “chữa người”
Quan điểm chủ đạo trong chữa bệnh Tây y là tiêu trừ ổ bệnh và cải biến bệnh lý, can thiệp trực tiếp vào hoạt động sống. Vì thế, trong quá trình chữa bệnh, thầy thuốc là chủ thể, người bệnh xem như một thực thể mang mầm bệnh.
Đông y là nhân thuật nên đối tượng của Đông y là “con người” không phải là “bệnh”. Con người phương Đông sống hòa hợp với môi trường, vũ trụ để hợp thành một chỉnh thể thống nhất. Mục tiêu chữa bệnh của Đông y là lập lại trạng thái cân bằng chỉnh thể. Phương châm chữa bệnh cơ bản của Đông y là “lưu nhân trị bệnh” tức là giữ lấy mạng sống của con người trước, sau đó mới khống chế, tiêu trừ ổ bệnh. Do đó trong quá trình chữa bệnh, Đông y chú trọng khả năng tự khôi phục và tái tạo cơ thể con người.
Với Y học cổ truyền phương Đông, chữa bệnh là chữa một con người, trong đó, quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là quan hệ giữa người với người. Đồng thời, Đông y quan niệm chẩn đoán và điều trị chính là quá trình tiếp xúc và giao lưu giữa hai cá thể.
3. Tây y là ngành khoa học mang tính quần thể – Đông y là ngành khoa học cá thể hóa
Nhận thức về bệnh tật của Tây y căn cứ vào kết quả của những nghiên cứu trên lượng lớn bệnh nhân. Kết quả thường là “đại lượng trung bình” và mang tính thống kê, đại diện cho toàn bộ quần thể, vì thế các nhân tố đặc thù hay ngẫu nhiên đều bị loại bỏ, những người bị mắc cùng một bệnh, sẽ được chữa trị cùng một loại thuốc.
Đông y lại dùng thuốc tùy theo biểu hiện ở người bệnh mà chữa trị với những bài thuốc khác nhau. Trên lâm sàng thì trăm người đều mắc cùng một bệnh vì thế có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau.
Y học quần thể có ưu điểm là dễ chuẩn hóa và thuận tiện trong việc phổ cập, nhưng rất khó tính đến những đặc điểm ở từng người bệnh. Y học cá thể hóa lại có khả năng thích ứng với bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh, nhưng kết quả điều trị thường không ổn định vì phụ thuộc rất nhiều vào cảm giác chủ quan của người bệnh và trình độ chuyên môn của thầy thuốc.
Mỗi nền văn hóa đều có bản sắc riêng. Mỗi nền y học dù là Đông y hay Tây y đều có những ưu thế, sở trường, cũng như sở đoản. Từ khi Tây y du nhập vào nước ta đã hình thành tình thế Đông y và Tây y song song tồn tại. Trong điều kiện đó, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp về phương diện học thuật và phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết thì kết hợp, đoàn kết Đông y và Tây y là phương châm hợp tình và hợp lý hơn cả.
Discussion about this post